Quân đội Trung Quốc mở đợt tập trận hiệp đồng với kịch bản phong tỏa cảng xung quanh Đài Loan, nhằm răn đe "hành động ly khai" của hòn đảo.
Mô phỏng một cuộc phong tỏa Đài Loan
Kể từ năm 2022, nhịp độ tập trận của Trung Quốc vẫn ở mức cao, với các cuộc xâm nhập hằng ngày qua đường trung tuyến (được ngầm hiểu là ranh giới không chính thức trên eo biển Đài Loan) tăng giảm tùy thuộc vào tín hiệu mà Trung Quốc muốn gửi đến người dân của họ, gửi đến Đài Loan và các đồng minh của Đài Loan.
Vào tháng 5/2024, sau khi ông Lại nhậm chức, Trung Quốc đã thực hiện cuộc tập trận được mô tả là lớn nhất so với trước đó, có tên Joint Sword 2024A. Cuộc tập trận khi đó kết hợp các lực lượng không quân, hải quân và tên lửa, "bao vây" Đài Loan từ mọi phía - mô phỏng một cuộc phong tỏa.
Hôm nay, chúng ta đang chứng kiến cuộc tập trận Joint Sword 2024B được dự báo từ lâu - mà Trung Quốc mô tả là một lần nữa bao vây Đài Loan bằng các chiến dịch hỗn hợp để tập chiến đấu trong "mọi điều kiện thời tiết".
Trên thực tế, thời tiết tuần này ở Đài Loan rất tốt, vì vậy tuyên bố đó có vẻ mang tính khoa trương hơn là thực tế, theo phân tích của phóng viên chuyên về Đài Loan của BBC Rupert Wingfield-Hayes, người đang đưa tin từ hiện trường.
Phô trương sức mạnh - nhưng xâm lược vẫn là biện pháp cuối cùng
Các cuộc tập trận quân sự này của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đều nhằm mục đích đe dọa.
Bắc Kinh từ lâu đã thề sẽ "thống nhất" Đài Loan với Trung Quốc đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết, và sẽ thực hiện trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2049.
Lý tưởng nhất là họ muốn điều này xảy ra mà không cần nổ súng trong cơn tức giận, và để Đài Bắc phải tự nguyện khuất phục trước sự cai trị của họ - nhưng người dân Đài Loan đã kinh hoàng chứng kiến sự đàn áp dân chủ gần đây ở Hong Kong, và hầu hết mọi người ngày càng không muốn bị cai trị bởi một chế độ độc tài cộng sản độc đảng.
Phản ứng của Bắc Kinh là nhắc nhở Đài Loan về ưu thế chiến lược áp đảo của họ. Gần đây, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tăng cường sức mạnh quân sự quy mô lớn trong tất cả các lĩnh vực: tên lửa siêu thanh, tàu sân bay, đầu đạn hạt nhân và máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Hải quân PLA hiện là lực lượng lớn nhất thế giới và vẫn đang tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, một cuộc xâm lược toàn diện vào Đài Loan sẽ là phương án cuối cùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, cuộc xâm lược sẽ vô cùng tốn kém, cả về mặt nhân lực và thiệt hại kinh tế đối với nền kinh tế toàn cầu.
Đối với Bắc Kinh, cũng có một yếu tố lớn chưa rõ: Mỹ sẽ đi xa đến mức nào để bảo vệ Đài Loan?
Quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục hành động chống lại Đài Loan nếu cần sau khi tổ chức một ngày tập trận vào ngày thứ Hai mà họ nói là lời cảnh báo đối với "các hành động ly khai" và đã bị chính phủ Đài Loan và Mỹ lên án.
Đảo Đài Loan được quản trị dân chủ đã chuẩn bị cho nhiều cuộc tập trận hơn kể từ bài diễn văn mừng ngày quốc khánh tuần trước của Tổng thống Lại Thanh Đức.
Bài diễn văn của ông Lại bị Bắc Kinh lên án sau khi ông nói rằng Trung Quốc không có quyền đại diện cho Đài Loan ngay cả khi ông đề nghị hợp tác với Bắc Kinh, vốn coi Đài Loan là lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình. Ông Lại và chính phủ của ông nói chỉ có người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.
Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông Bộ của quân đội Trung Quốc cho biết cuộc tập trận "Liên Hợp Lợi Kiếm-2024B" diễn ra ở Eo biển Đài Loan và các khu vực ở phía bắc, phía nam và phía đông Đài Loan.
Nhưng ngay sau khi loan báo hoàn tất, bộ quốc phòng Trung Quốc đưa ra cảnh báo rằng các cuộc tập trận này không phải lặp lại cuộc tập trận "Liên Hợp Lợi Kiếm-2024A" trước đó được tổ chức vào tháng 5, mà là sự gia tăng áp lực chống lại độc lập của Đài Loan và cho biết có thể sẽ có thêm các cuộc tập trận nữa.
"Các hành động của Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ được thúc đẩy hơn nữa với mỗi hành động khiêu khích 'độc lập Đài Loan' cho đến khi vấn đề Đài Loan được giải quyết hoàn toàn," bộ này nói trong một phát biểu.
Bộ tư lệnh chiến khu nói các cuộc tập trận là một "lời cảnh báo nghiêm khắc" đối với các hành động ly khai của lực lượng độc lập Đài Loan.
"Đây là một hoạt động chính đáng và cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự thống nhất quốc gia," bộ nói trong một phát biểu.
Bộ tư lệnh không công bố bất cứ ngày nào cho các cuộc tập trận quy mô lớn tiếp theo.
Trước đó, bộ công bố một bản đồ đánh dấu chín khu vực xung quanh Đài Loan nơi các cuộc tập trận diễn ra - hai khu vực ở bờ biển phía đông của hòn đảo, ba ở bờ biển phía tây, một ở phía bắc và ba xung quanh các đảo do Đài Loan kiểm soát bên cạnh bờ biển Trung Quốc.
Các đội hình tàu chiến, tàu khu trục và chiến đấu cơ của Trung Quốc tiếp cận Đài Loan ở "cự ly gần từ nhiều hướng khác nhau," tập trung vào các cuộc tuần tra sẵn sàng tác chiến trên không và trên biển, phong tỏa các cảng và khu vực chủ chốt, và tấn công các mục tiêu trên biển và trên bộ, bộ chỉ huy nói thêm.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc và các tàu hỗ trợ cũng tham gia ở phía đông Đài Loan, quân đội nói - một cuộc triển khai được quân đội Đài Loan theo dõi. Tuy nhiên, họ không thông báo bất kì cuộc tập trận bắn đạn thật nào hoặc bất cứ khu vực cấm bay nào và một nguồn tin an ninh Đài Loan cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy có phóng phi đạn.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói lực lượng hỏa tiễn đã thực hiện các vụ phóng tên lửa mô phỏng trong khi máy bay chiến đấu "mở các hành lang tấn công trên không" và máy bay ném bom thực hiện các nhiệm vụ tầm xa.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói các cuộc tập trận có sự tham gia của 17 tàu chiến và 125 máy bay quân sự của Trung Quốc - số lượng máy bay nhiều nhất mà họ phát hiện hoạt động xung quanh Đài Loan trong một ngày.
Dù vậy, các cuộc tập trận hôm thứ Hai có vẻ ít quyết liệt hơn so với hành động vào năm 2022 khi Trung Quốc bắn phi đạn bay qua hòn đảo ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ khi đó là Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan.
Trong một bước đi đáng kể hôm thứ Hai, các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã bao vây Đài Loan và tuần tra gần các đảo ngoài khơi là Mã Tổ và Đông Dẫn của Đài Loan, lần đầu tiên tiến vào "vùng biển hạn chế" của đảo Mã Tổ để "xé toạc" ranh giới do chính quyền Đài Loan đặt ra, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.
CCTV nói thêm rằng Trung Quốc "có thể tiến hành các cuộc tuần tra thực thi pháp luật thường xuyên xung quanh Mã Tổ trong tương lai."
Tổng thống Lại lên án các cuộc tập trận và nói chúng có "có mục đích phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực và tiếp tục cưỡng ép các nước láng giềng bằng vũ lực."
Các quan chức cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Lại đã họp để thảo luận về tình hình.
Ủy hội Đại lục, cơ quan hoạch định chính sách về Trung Quốc của Đài Loan, nói các cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc là "hành động khiêu khích trắng trợn" làm suy yếu nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực.
Văn phòng tổng thống Đài Loan nói trong một phát biểu rằng Trung Quốc nên đối mặt với sự thật về sự tồn tại của nước Trung Hoa Dân Quốc - tên chính thức của Đài Loan - và tôn trọng sự lựa chọn của người dân Đài Loan cho một lối sống tự do và dân chủ.
Tại Washington, các quan chức từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói họ đang theo dõi các cuộc tập trận và không có lý do gì để biện minh cho chúng sau bài diễn văn "thường lệ" của ông Lại.
"Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hành động kiềm chế và tránh mọi hành động thêm nữa có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và trong khu vực rộng lớn hơn," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói, sử dụng tên chính thức của Trung Quốc.
Quân đội Đài Loan báo động cao khi Trung Quốc tập trận bao vây
Trung Quốc đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, động thái mà Bắc Kinh gọi là "lời cảnh cáo nghiêm khắc" đối với những người tìm kiếm "độc lập" cho hòn đảo tự trị này.
Các cuộc tập trận mà Bắc Kinh gọi là Joint Sword 2024B (Liên hiệp Lợi kiếm 2024B) đã diễn ra từ sáng sớm 14/10 tại chín địa điểm xung quanh đảo Đài Loan và mô phỏng một cuộc tấn công vào Đài Loan.
Theo bản đồ mà quân đội Trung Quốc công bố, có 9 khu vực tập trận xung quanh Đài Loan gồm: 2 khu vực ở bờ biển phía đông của hòn đảo, 3 khu vực ở bờ biển phía tây, 1 khu vực ở phía bắc và 3 khu vực xung quanh các đảo do Đài Loan kiểm soát gần bờ biển Trung Quốc.
Các cuộc tập trận này được coi là phản ứng đối với bài phát biểu của Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức tuần trước, khi ông tuyên bố sẽ chống lại "sự thôn tính" của Bắc Kinh.
Phía Đài Loan cho biết họ đã phát hiện 25 máy bay, bảy tàu hải quân và bốn tàu khác của Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Đài Loan đã lên án những gì họ mô tả là "hành vi phi lý và khiêu khích" của Trung Quốc, đồng thời khẳng định họ sẵn sàng tự vệ.
Tất cả các quân chủng của lực lượng vũ trang Đài Loan đã được lệnh rà soát lại binh lực, trong khi các đơn vị tình báo quân sự của họ đang theo dõi chặt chẽ mọi chuyển động của tên lửa Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết các khu vực phòng thủ đảo xa đã được đặt trong tình trạng "báo động cao" và máy bay và tàu đã được triển khai, đồng thời cảnh báo người dân Đài Loan cảnh giác với bất kỳ thông tin sai lệch tiềm tàng nào do Trung Quốc đưa ra.
Bộ Giao thông Đài Loan cho biết hoạt động hàng không và cảng biển vẫn diễn ra "bình thường" bất chấp các cuộc tập trận quân sự ngoài khơi.
Mỹ, đồng minh của Đài Loan, cho biết họ đang theo dõi các cuộc tập trận này.
"Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hành động kiềm chế và tránh mọi hành động tiếp theo có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và trong khu vực rộng hơn, đây là điều cần thiết cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và là vấn đề được quốc tế quan tâm," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và cuối cùng sẽ trở thành một phần của nước này. Bắc Kinh cũng không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được điều đó.
Nhưng Đài Loan coi mình là một quốc gia riêng biệt, có chính phủ và quân đội riêng.
Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan sau khi ông Lại Thanh Đức tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào đầu năm nay.
Hôm 10/10, Tổng thống Lại Thanh Đức đã cam kết duy trì tình trạng tự quản của Đài Loan trong bài phát biểu trước công chúng ở Đài Bắc nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh Đài Loan, chỉ chín ngày sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm 75 năm thành lập.
Ông Lại Thanh Đức cho biết sẽ "duy trì cam kết chống lại sự thôn tính hoặc xâm phạm chủ quyền của chúng ta".
Đồng thời, ông Lại hứa sẽ duy trì "nguyên trạng hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan" và cam kết hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề như biến đổi khí hậu, phòng chống bệnh truyền nhiễm và duy trì an ninh khu vực.
"Trung Hoa Dân quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phụ thuộc vào nhau," ông Lại Thanh Đức nói.
Trước đó, tổng thống Đài Loan đã nói rằng "hoàn toàn không thể" có chuyện Trung Quốc là "quê hương" của Đài Loan vì chính quyền hòn đảo này được thành lập vào năm 1911, nhiều thập niên trước khi chế độ cộng sản hiện tại của Trung Quốc được thành lập vào năm 1949.
"Ngược lại, Trung Hoa Dân Quốc thực sự có thể là quê hương của những công dân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên 75 tuổi,” ông nói thêm.
Nhiều nhà quan sát chính trị coi những bình luận công khai của ông Lại Thanh Đức cho đến nay là đi xa hơn người tiền nhiệm Thái Anh Văn, người thận trọng hơn nhiều trong các bài phát biểu trước công chúng
Bắc Kinh đã gán mác ông Lại là "kẻ ly khai" và "kẻ gây rối" vì những phát ngôn ủng hộ độc lập cho Đài Loan trước đây.